Xu hướng phát triển đô thị dịch chuyển về phía Nam Biên Hòa hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng, không gian kết nối, thuận tiện trong thiết kế đô thị.
Theo buổi làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở ngành, thành phố Biên Hòa hiện có 4 dự án trọng điểm ưu tiên tập trung đầu tư sớm, bao gồm đường trục trung tâm và cầu Thống Nhất, đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai và Hương Lộ 2 (đoạn từ quốc lộ 51 đến cầu An Hòa). Với số vốn lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, các dự án nói trên được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh.
Trong đó, dự án Hương lộ 2 – tuyến đường quan trọng được đánh giá có thể làm thay đổi diện mạo khu vực. Đây là tuyến đường nối từ quốc lộ 51 đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đi qua An Hòa và Long Hưng.
Tuyến Hương Lộ 2 dự kiến có quy mô 6 làn xe cơ giới và 4 làn xe hỗn hợp. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 17km, kết nối trung tâm hành chính Biên Hòa cùng các khu đô thị như Long Hưng, Aqua City, khu công nghiệp An Phước, đô thị Nhơn Trạch… với đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Nhờ đó, khoảng cách giữa tỉnh Đồng Nai và TP HCM sẽ rút ngắn đáng kể nếu so với việc phải đi vòng qua quốc lộ 51 như hiện nay. Đây là điểm mấu chốt góp phần giải tỏa lo ngại đi xa của nhiều người khi sống và làm việc tại hai thành phố.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu cho mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 12 làn xe nhằm giảm tải cho lưu lượng xe đang ngày càng gia tăng. Trước đó, tuyến đường được phê duyệt đầu tư vào năm 2007 chia làm hai giai đoạn xây dựng.
Giai đoạn một, đoạn An Phú – Long Thành với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu. Giai đoạn hai hoàn chỉnh đoạn từ An Phú – Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe.
Hầu hết các tuyến đường này đều tiếp giáp với cảng hàng không quốc tế Long Thành, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vùng đô thị sân bay trong tương lai, đồng thời tăng tính kết nối giữa đô thị vệ tinh vùng kinh tế phía Nam với trung tâm TP HCM.
Bên cạnh lợi thế hạ tầng, Đồng Nai sở hữu quỹ đất dồi dào với diện tích gần 6.000 km2, chiếm hơn 1/4 diện tích vùng Đông Nam Bộ. Thiên nhiên trù phú với cảnh quan sông nước hiện hữu phù hợp với định hướng đưa Đồng Nai trở thành vùng phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ đa ngành, đồng thời bảo tồn rừng cảnh quan, đa dạng sinh học cũng như nguồn nước của vùng TP HCM.
Cũng theo các chuyên gia, trong quy hoạch phát triển đô thị sinh thái tại Đồng Nai, khu vực phía Nam Biên Hòa được đánh giá cao bởi hạ tầng giao thông thuận lợi với các trục đường chính xuyên suốt. Phần lớn diện tích tiếp giáp với sông nước, chủ đạo là dòng sông Đồng Nai và sông Buông. Chính sự đa dạng này sẽ là nền tảng cho việc thiết kế đô thị phong phú hơn.
Theo Vnexpress