Nằm ở phía Bắc Hà Nội, Mê Linh từng là một trong những tâm điểm của cơn sốt đất khi có thông tin sáp nhập về thủ đô. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, sau cơn nóng sốt, phần lớn những dự án đất nền tạo sóng một thời vẫn mang diện mạo hoang tàn. Sự khởi sắc của thị trường le lói ở phân khúc đất thổ cư.
Sự im lìm của đất dự án…
Tháng 3/2008, khi phương án mở rộng địa giới hành chính của thủ đô được công bố, Mê Linh và nhiều vùng ven đô khác trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản. Trên địa phận Mê Linh, dọc theo tuyến Quốc lộ 23, từ Thanh Lâm, về tới Đại Thịnh, Tiền Phong, san sát các dự án bất động sản.
Tính đến tháng 7/2008 (thời điểm sáp nhập), Mê Linh có tới 46 dự án được cấp phép. Nhiều dự án lớn có quy mô hàng trăm ha như Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp của Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 18 quy mô gần 16 ha; Khu đô thị Minh Giang Đầm Và của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Cty TNHH Tiền Phong trên 40 ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30 ha… Giá đất trước đó chỉ dao động từ 3-5 triệu đồng/m2 thì trong cơn sốt, nhảy vọt lên mức 18-25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập về Hà Nội, bất động sản Mê Linh rơi vào “vùng trũng” do tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2010-2012 và những vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phát sinh từ quá trình sáp nhập. Từ mức giá cao ngất ngưởng, bị thổi lên trong cơn sốt 18-25 triệu đồng/m2, giá đất trong giai đoạn khủng hoảng sụt giảm mạnh xuống còn 4-5 triệu đồng/m2, thanh khoản đóng băng.
Các dự án bất động sản Mê Linh rơi vào cơn ngủ vùi cả chục năm sau đó. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có gần 60 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Phần lớn các dự án đều ở tình trạng hoang hóa.
Thực tế này khiến thời điểm đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 lần yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra và xử lý phản ánh liên quan đến gần 2.000 ha đất dự án đô thị bỏ hoang nhiều năm nay ở huyện Mê Linh.
… đến sự khởi sắc của đất thổ cư
Khoảng 3 năm qua, phía Tây – điểm nóng của bất động sản Hà Nội bắt đầu san sẻ thị phần với phía Bắc. Phía Bắc thủ đô đã có cuộc trở mình đầy ấn tượng. Khu vực cầu Nhật Tân, bờ Nam sông Hồng nổi lên là nơi có tốc độ phát triển nhanh, được giới chuyên gia dự báo sẽ là điểm nóng mới, đối trọng với phía Tây.
Sức hút của bất động sản khu vực này đến từ việc cầu Nhật Tân được đưa vào sử dụng, thông tin về cầu Tứ Liên được hé lộ. Ngoài ra, hàng loạt siêu dự án như công viên Kim Quy, trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, công viên phần mềm… được khởi công, triển khai. Theo quy hoạch, khu đô thị 2 bên đường Nhật Tân – Nội Bài sẽ quy tụ những dự án quy mô lớn của Hà Nội từ nay đến 2030 với quy mô lên đến 2.080 ha nằm trên tổng chiều dài khoảng 11,7 km.
Tâm điểm của phía Bắc Hà Nội là Đông Anh. Chỉ trong khoảng 2 năm qua, Đông Anh có những biến động lớn ở cả nguồn cung và cơ cấu sản phẩm bất động sản. Thị trường này liên tục chứng kiến sự nhảy múa về giá đất ở những khu vực có thông tin quy hoạch.
Một thực tế không thể phủ nhận là sự phát triển mạnh của bất động sản trục Nhật Tân – Nội Bài cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của bất động sản Mê Linh – khu vực liền kề, giáp ranh ngay cạnh huyện Đông Anh.
Cùng với đó, nội tại thị trường Mê Linh cũng có những chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng. UBND huyện Mê Linh đang tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho 2 thị trấn Quang Minh và Chi Đông với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Hồng Hà cũng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mê Linh đến trung tâm Hà Nội.
Tuy nhiên, sự thức giấc của Mê Linh mang tính chất cục bộ, trong khi hàng loạt dự án đất nền vẫn đang trong tình trạng hoang hóa thì phân khúc đất thổ cư trong dân có sự khởi sắc nhất định. Đơn cử, những lô đất mặt tiền thị trấn Quang Minh, so với đầu năm 2018, giá tăng từ 7-10%, từ mức 19-23 triệu đồng/m2 lên mức 21-25 triệu đồng/m2. Cùng thuộc khu vực thị trấn, những khu đất gần trung tâm hành chính huyện, giá đất cũng tăng từ 12-13 triệu đồng/m2 lên 13-14,5 triệu đồng/m2.
Đất tại Do Thượng (Tiền Phong), cách cao tốc Thăng Long – Nội Bài 400m, gần khu công nghiệp Quang Minh, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, giá đất tăng nhẹ từ 13-14 triệu đồng/m2 lên mức 14-14,5 triệu đồng/m2. Đất tại xã Chu Phan, gần trục đô thị Mê Linh – Hà Nội – Vĩnh Phúc, cũng tăng từ 6-7 triệu đồng/m2 lên 7-7,5 triệu đồng/m2…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những năm qua, thị trường Mê Linh chuyển biến khá chậm chạp. Việc những đại dự án đang hoang hóa có hồi sinh,phát triển được không còn là 1 bài toán đầy thách thức. Tuy nhiên, trong tầm nhìn dài hạn 10 năm nữa, Mê Linh có thể trở thành một điểm nóng của Hà Nội, nối tiếp những Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên…
Theo Tuổi trẻ Online