Ngày 13/8, UBND huyện Củ Chi, TP HCM tổ chức họp báo thông báo tình hình thực hiện khu tái đinh cư dự án Công viên Thảo Cầm Viên mới (Safari).
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi cho biết thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ, UBND huyện Củ Chi đang kiểm tra, rà soát các trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại để kiến nghị UBND TP. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát và đề xuất cụ thể các nội dung liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án Safari.
Ngoài ra, Văn phòng UBND TP cũng ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu tại cuộc họp tổ chức thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về dự án Safari, trong đó có nội dung: chấp thuận cho UBND huyện Củ Chi tiến hành thi công xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 (18 ha) phục vụ dự án xây dựng Safari.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Út, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, ngày 8-8, UBND huyện Củ Chi tổ chức khởi công xây dựng khu tái định cư tại xã An Nhơn Tây. Tuy nhiên trong 5 ngày thi công từ ngày 8 đến ngày 12-8, có 26 hộ dân đến ngăn cản và không cho thi công công trình. Các hộ dân này có đất bị ảnh hưởng trong dự án Safari nhưng không có đất bị ảnh hưởng trong khu đất xây dựng khu tái định cư.
Sau khi xảy ra vụ việc, UBND huyện Củ Chi đã đến từng hộ dân tiếp xúc, vận động, giải thích. Kết quả, đa số các hộ đều đồng tình để UBND huyện triển khai xây dựng khu tái định cư trong thời gian sớm nhất.
“Huyện quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP là cuối năm 2019 sẽ hoàn thành khu tái định cư” – ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 14-6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Safari. Theo đó, TTCP cho rằng nguyên nhân gây khiếu nại kéo dài là: Chủ đầu tư không đủ năng lực và kinh nghiệm; các sở – ngành chậm thực hiện đồ án quy hoạch; chưa xây dựng khu tái định cư; quá trình bồi thường có sự chênh lệch trong đơn giá…
Cụ thể, dự án Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (thuộc huyện Củ Chi), có diện tích 456,85 ha, cấp phép từ năm 2004 và được UBND TP HCM giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đây là dự án lớn, ảnh hưởng đến 705 hộ dân nhưng trải qua nhiều năm, do không đủ năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm thực hiện dự án, lại phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao, không phù hợp quy định nhà nước nên chủ đầu tư không thực hiện được các kế hoạch đề ra, khiến dự án kéo dài nhiều năm.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ ngày TP có văn bản chấp thuận thì đồ án quy hoạch mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài, trong khi thiết kế quy hoạch chi tiết là tài liệu quan trọng nhưng không được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khi giải phóng mặt bằng phải xây dựng khu tái định cư cho người dân, trường hợp chưa có phải bố trí khu tạm cư hoặc chi tiền tạm cư. Thế nhưng, đến nay, dù đã thu hồi khoảng 80% diện tích đất nhưng khu tái định cư chưa được khởi công, người dân không được bố trí tạm cư (tạm cư tại chỗ) cũng như tại thời điểm thanh tra, người dân chưa được chi tiền tạm cư.
Đặc biệt, theo kết luận thanh tra, một trong những vấn đề cốt lõi gây bức xúc kéo dài là chính sách áp giá bồi thường được người dân cho là không công bằng, gây tình trạng so bì, khiến ngân sách chi vượt. Cụ thể, qua kiểm tra 705 hồ sơ đền bù, TTCP phát hiện có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hằng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn) được huyện áp giá “đất vườn gò trong khu dân cư” với đơn giá 150.000 đồng/m2, cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm đã có hệ số K. Việc này khiến số tiền chi đền bù tăng thêm 104,7 tỉ đồng. Số tiền này đã được chi trả cho 689/705 hộ dân, qua thanh tra chưa phát hiện vụ lợi nhưng TTCP yêu cầu phải kiểm điểm nghiêm khắc, đặc biệt là trách nhiệm của UBND TP, Hội đồng Thẩm định huyện Củ Chi.
Trước những sai phạm trên, TTCP kiến nghị khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư. Trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TP HCM cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.
Tại buổi công bố kết luận thanh tra, nhiều hộ dân bày tỏ nguyện vọng chính quyền TP HCM phải rút kinh nghiệm và xem xét lại việc áp giá bồi thường chênh lệch như TTCP kết luận, bởi tất cả công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, chính sách bồi thường phải công bằng và nhất quán. Cùng một loại đất nhưng một bên được áp giá bồi thường 150.000 đồng /m2, bên kia chỉ được chi trả 60.000 đồng/ m2 thì không thể không gây kiện tụng.
Riêng về khu tái định cư triển khai chậm, nhiều hộ dân cho biết họ đã phải sống lây lất, tạm bợ trên chính mảnh đất của mình, thiếu kế sinh nhai khiến đời sống gặp nhiều khó khăn nên đề nghị TP sớm đẩy nhanh thực hiện khu tái định cư.
Theo Người Lao động