Tỉnh cho rằng những công trình này xây dựng khi chưa được cấp phép nhưng phù hợp quy hoạch, nếu tháo dỡ sau khi được cấp phép sẽ rất lãng phí.
Nhiều công trình trị giá vài trăm tỉ đồng ngang nhiên mọc lên giữa lòng TP Biên Hòa dù chưa được cấp phép xây dựng. Việc xây dựng trái phép diễn ra ngay trung tâm thành phố nhưng chính quyền không hề hay biết?
Cụm công nghiệp, trung tâm thương mại không phép
Công trình lớn nhất xây dựng không phép là cụm Khu công nghiệp (CKCN) Phước Tân (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) với diện tích 72 ha. Khu vực này từng được quy hoạch khu đất trồng cây xanh. Cuối năm 2015, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã có đề án bổ sung khu vực này làm CKCN Phước Tân và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Sau đó Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ bất động sản Việt Bảo Minh xin chủ trương làm CKCN. Tuy đây mới chỉ là chủ trương nhưng từ năm 2017, chủ doanh nghiệp đã phân lô, bán nền cho nhiều doanh nghiệp, người dân để cất nhà, làm kho xưởng.
Đến tháng 6-2018, qua kiểm tra hoạt động xây dựng trên địa bàn, UBND TP Biên Hòa phát hiện ở dự án này có khoảng 180 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, trong đó có trên 50 kho xưởng. Việc xây dựng trái phép cả CKCN khiến nhiều người phải giật mình.
Vào tháng 5-2018, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra việc xây dựng dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tọa lạc trên diện tích khu đất 22.184 m2 (đường Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa). Đây là dự án thuộc công trình dân dụng cấp 1, do Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư, có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 679 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến 2022 với ba khối công trình được ký hiệu lần lượt là A, B, C.
Qua kiểm tra, khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, có quy mô bốn tầng lầu và một tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.500 m². Công trình đã đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng vào thời điểm kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện khu này chưa có giấy phép xây dựng.
Khu B được thiết kế làm trung tâm thương mại dịch vụ, dự kiến xây dựng năm tầng và một tầng hầm. Thời điểm này tòa nhà chính đã đổ bê tông cốt thép tầng một với diện tích xây dựng hơn 4.300 m² và cũng giống như khu A, khu này chưa hề có giấy phép.
Ngay sau khi bị các cơ quan chức năng phát hiện xây dựng không phép và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ toàn bộ, chủ đầu tư đã ngưng thi công và tiến hành hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Ngày 25-10-2018, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng khu vực đang thi công nhưng Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai sau đó có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh. Lúc này UBND tỉnh mới yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư, rà soát việc thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định, báo cáo để tỉnh thống nhất và ý kiến có quyết định.
Đặc biệt hơn, vào tháng 8-2018, một trường học cao bốn tầng, quy mô 20 phòng học rộng gần 1.000 m² trên đường Dương Tử Giang tại phường Tân Mai (TP Biên Hòa) gần như đã hoàn tất mới bị phát hiện, xử lý vì xây dựng không phép.
Theo hồ sơ, tháng 4-2018, người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có đơn xin làm tường rào tại đây. Tuy nhiên, đến tháng 5-2018, chính quyền cơ sở kiểm tra thì phát hiện phía trong tường rào đang tiến hành xây dựng công trình lớn.
UBND phường Tân Mai phối hợp với Đội Trật tự đô thị TP Biên Hòa đã lập biên bản hiện trạng, yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công và tịch thu nhiều phương tiện, máy móc liên quan. Sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với chủ đất về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép.
Cùng với đó, yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc dừng thi công. Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư buộc phải làm thủ tục đề nghị các cơ quan thẩm quyền cấp phép xây dựng, nếu không sẽ tiến hành tháo dỡ công trình theo quy định.
Thay vì chấp hành quyết định xử lý hành chính của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên đẩy nhanh tiến độ và xây dựng hoàn thiện công trình chỉ sau bốn tháng xin xây tường bao.
Cho hợp thức hóa xây dựng trái phép?
Trả lời PV về vấn đề trên, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết đối với dự án xây dựng trái phép CKCN Phước Tân với diện tích 72 ha (phường Phước Tân), hiện thanh tra tỉnh đang làm rõ sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngay khi có kết luận tỉnh sẽ xử lý theo quy định.
“Còn về công trình xây nhà hàng tiệc cưới ở đường Đồng Khởi, với một số khu vực đã xây xong chúng tôi đã ra quyết định xử phạt hành chính. Về công trình xây dựng trung tâm thương mại cạnh đó, hiện nay sở, ngành liên quan đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Chúng tôi đang chờ quyết định của tỉnh để có hướng xử lý thời gian tới” – đại diện Sở Xây dựng nói thêm.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết đối với công trình Trường Mầm non Sao Xanh (phường Tân Mai) hiện UBND TP đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Do chủ đầu tư đã xin cho tồn tại công trình và xét thấy khu vực này phù hợp quy hoạch nên UBND TP đã cho tồn tại nhưng yêu cầu phải chuyển đổi mục đích sử dụng, không sử dụng làm trường học.
Trả lời về các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết tỉnh cũng đã xem xét, cân nhắc. Những công trình lớn xây dựng khi chưa được cấp phép nhưng phù hợp các quy hoạch (do chủ đầu tư đang trong quá trình làm hồ sơ, chờ cấp phép) và chủ đầu tư cũng đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng xây dựng.
Nếu bắt tháo dỡ, sau khi được cấp phép sẽ phải làm lại từ đầu, như vậy rất lãng phí. Do đó, UBND tỉnh cho phép họ hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép và tiếp tục hoàn thiện công trình.
Như vậy, đến nay nhiều công trình trị giá hàng trăm tỉ ở Đồng Nai dù xây dựng trái phép nhưng chỉ bị chính quyền xử phạt hành chính. Chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng tiếp và sau đó xin hợp thức hóa. Việc bất chấp quy định để làm này sẽ tạo tiền lệ xấu, phá nát quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật không nghiêm, đặt chính quyền vào thế đã rồi, khiến cho uy tín của chính quyền với người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc cứ làm sai rồi xin hợp thức hóa cũng khiến người dân vô cùng bức xúc.
Theo Pháp Luật TP HCM