Thời gian gần đây, nhiều tín hiệu tốt về hạ tầng giao thông, về thị trường bất động sản (BĐS) ven biển ở tỉnh Bình Thuận có sự phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hiện nay đa số dự án BĐS ở địa bàn tỉnh này đều đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về xây dựng thông báo BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng các chủ đầu tư, đơn vị phân phối, môi giới đã thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng thông qua hình thức giữ chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền. Việc thực hiện các hình thức giao dịch như trên không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật có liên quan nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.
Mới đây, chính quyền các xã, thị trấn như Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc), Thắng Hải, Tân Phúc (huyện Hàm Tân) như “ngồi trên đống lửa” khi Công ty CP Địa ốc Alibaba bất ngờ đưa khách hàng tới tham quan, giới thiệu dự án BĐS mà địa phương chưa bao giờ nghe tới. Trước tình hình phức tạp này, chính quyền địa phương đã phải cắm bảng cảnh báo để người dân cảnh giác. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, không có bất kỳ dự án BĐS nào của công ty trên đăng ký đầu tư tại địa phương.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường BĐS ven biển ở Bình Thuận đã chứng kiến cuộc “đổ bộ” của hàng chục công ty, tập đoàn địa ốc có tiếng về đầu tư. Với sự quảng bá rầm rộ, các dự án này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư BĐS khắp cả nước. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, xuất hiện dày đặc những quảng cáo, rao bán đất nền với mức lợi nhuận “siêu khủng”. Nhiều nhà đầu tư từ nơi khác đến, do thiếu thông tin, đã đặt cọc, giữ chỗ để rồi ngậm đắng, nuốt cay vì chờ mãi chưa thấy dự án khởi công. Đến khi Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ra 15 văn bản gửi đến các công ty BĐS ở địa phương, thông báo việc phần lớn các dự án này chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng thì nhiều người mới vỡ lẽ.
Trước tình hình phức tạp này, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra rà soát, phát hiện địa phương đang có 32 dự án kinh doanh BĐS được chấp thuận đầu tư, trong đó chủ yếu là các dự án phân lô chuyển nhượng đất nền. Thế nhưng, trong số này chỉ có 4 dự án đủ điều kiện kinh doanh, còn lại đều đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục. Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận đang có 42 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh BĐS nhưng mới chỉ có 21 dự án đã được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, còn lại vẫn “nằm trên giấy”.
Để thị trường BĐS tỉnh Bình Thuận phát triển lành mạnh, ổn định, giảm thiểu việc phát sinh tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ngành chức năng cần công khai những dự án nào đã và chưa đủ các thủ tục pháp lý cần thiết để người dân, nhà đầu tư kịp thời nắm bắt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực, uy tín trong việc thực hiện dự án đầu tư, giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh, cũng như ngăn chặn việc vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia thị trường BĐS.
Theo SGGP Online