Tổng mức đầu tư của dự án mở rộng đường Xa lộ Hà Nội (bao gồm cả hai giai đoạn) đã tăng từ 1.825 tỉ đồng thành 2.781 tỉ đồng, do chậm bàn giao mặt bằng.
Theo phê duyệt của Sở Tài chính TP.HCM để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên và mở rộng Xa lộ Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.825 tỉ đồng. Dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2009.
Năm 2012, UBND TP.HCM tạm ngưng công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội vì khó khăn.
Năm 2016, UBND TP.HCM duyệt điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư xây dựng mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (dự án BOT, thời hạn thực hiện 2008-2017). Trong đó có bổ sung 1.410 tỉ đồng giải phóng mặt bằng Xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
TP.HCM cũng chấp thuận Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ứng tiền cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 để tiếp tục thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 (201 trường hợp, 24,5 ha).
Đến hết năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã ứng cho ngân sách TP tổng số tiền là 503,5 tỉ đồng để Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 chuyển cho thị xã Dĩ An chi trả bồi thường cho 55/201 trường hợp của giai đoạn 2.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chưa cân đối được nguồn vốn (trong phạm vi 1.410 tỉ) để chi trả cho các trường hợp còn lại của dự án.
Do quá trình thực hiện dự án bồi thường kéo dài nên chi phí bồi thường, hỗ trợ giai đoạn 2 đã tăng từ 1.410 tỉ đồng thành 2.324 tỉ đồng theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND thị xã Dĩ An (đơn giá bồi thường tháng 1-2017).
Dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án (bao gồm cả 02 giai đoạn) tăng từ 1.825 tỉ đồng thành 2.781 tỉ đồng.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết dự án này gặp một số khó khăn như sau:
Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh chưa bố trí được vốn để chi trả bồi thường (phạm vi 1.410 tỉ đồng) trong khi các hộ dân thị xã Dĩ An bị ảnh hưởng bởi dự án yêu cầu được nhận tiền bồi thường.
Dự án bồi thường chưa được phê duyệt điều chỉnh để có cơ sở pháp lý cho Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp nguồn vốn đến 2.324 tỉ đồng.
Do việc chi trả bồi thường bị tạm ngưng nhiều lần, phía Dĩ An đề nghị phải đáp ứng đủ nguồn vốn và kịp thời mới tiếp tục triển khai phê duyệt dự toán bồi thường các đợt tiếp theo và chi trả bồi thường.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Dĩ An (đơn vị thực hiện công tác bồi thường), chi phí bồi thường cho các trường hợp bị ảnh hưởng tại thời điểm 2020 sẽ tăng cao hơn so với chi phí bồi thường năm 2017 do biến động giá đất.
Theo Pháp luật TP HCM