Nhiều chung cư được gắn mác cao cấp với mức giá trên trời, nhưng thực tế chất lượng lại không xứng tầm với mức giá.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy năm 2018 tỷ lệ hấp thụ căn hộ chung cư chung cho toàn thị trường Hà Nội đạt 68,5% (30.701/44.788).
Trong đó, căn hộ trung cấp có tỷ lệ hấp thụ cao nhất lên tới 85,9%, bình dân 81,1% và thấp nhất là cao cấp và siêu cao cấp với tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 29,3%.
Tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM đạt 68,7% (34.312/49.948), trong đó bình dân chiếm 78,8%, trung cấp chiếm 70,2%, cao cấp và siêu cao cấp 63,7%.
Nhìn vào số liệu trên thấy rằng tỷ lệ hấp thụ căn hộ cao cấp và siêu cao cấp đang có dấu hiệu tăng lên khi một bộ phận khách hàng ngày càng giàu. Để đáp ứng cho nhu cầu này, một số chủ đầu tư cũng đã chuyển hướng đầu tư sang phân khúc cao cấp.
Theo nhiều chuyên gia BĐS, bên cạnh các dự án thực sự cao cấp, không ít chủ đầu tư khi mở bán căn hộ đã tự gắn cho dự án của mình danh hiệu cao cấp, siêu sang để thu hút khách hàng. Trên thực tế sau khi nhận bàn giao, chất lượng dự án lại không được khách hàng thực sự hài lòng.
Theo ông Dương Đức Hiển – Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam, tại Việt Nam, thị trường BĐS vẫn chưa có được những tiêu chuẩn, khái niệm rõ ràng về phân khúc BĐS cao cấp.
Ông Hiển cho rằng có bốn tiêu chí để đánh giá một dự án có thực sự cao cấp hay không. Thứ nhất, dự án BĐS cao cấp phải có vị trí trọng yếu tại các quận trung tâm của các thành phố lớn, giao thông kết nối thuận tiện với các tuyến đường lớn, trọng điểm.
Thứ hai, các dự án BĐS cao cấp phải có quỹ căn hộ hạn chế, tức là tất cả các dự án cao cấp đều có quy mô khoảng 250 căn hộ trở xuống, trên một mặt bằng tầng dưới 10 căn hộ.
Thứ ba, hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích dịch vụ đồng bộ hiện đại, chất lượng quản lý vận hành đẳng cấp được thực hiện bởi các thương hiệu quản lý tầm cỡ thế giới.
Cũng theo ông Hiển, các dự án BĐS cao cấp cần có thời gian để có thể chứng minh được là cao cấp sau quá trình vận hành, hoạt động và các phản hồi của khách hàng là yếu tố khẳng định cho chất lượng của tòa nhà.
“Nếu theo tiêu chí trên thì hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM, phân khúc cao cấp rất ít và hầu hết các dự án đều chỉ thuộc phân khúc tầm trung và trên tầm trung một chút”, ông Hiển nói.
Ông Nguyễn Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng Thông tư 31/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng có quy định việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư nhưng đến nay, chưa có chủ đầu tư dự án hoặc Ban quản trị nhà chung cư lập hồ sơ đề xuất phân hạng nhà chung cư.
Thông tư này chỉ phân hạng nhà chung cư sau khi đã xây dựng xong hoặc đã bán cho khách hàng. Nhưng người mua nhà có nhu cầu được biết hạng chung cư hình thành trong tương lai thì phục thuộc vào quảng cáo của chủ đầu tư. Đây là giai đoạn mà chủ đầu tư gắn mác vào và người mua dễ bị lừa, mua nhầm sản phẩm không như quảng cáo.
Do vậy, theo ông Châu, Bộ Xây dựng cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 31 để bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường BĐS và bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà.
Theo VTC