Vũng Tàu đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xin chủ trương giải quyết các dự án trọng điểm ở tỉnh này đang gặp khó khăn về vốn, qui hoạch…
Xin cơ chế cho cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Năm 2016, Bộ GTVT đã quyết định phê duyệt đề xuất dự án thành phần số 1, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ – cụm cảng Cái Mép – Thị Vải) theo hình thức hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư hơn 9.228 tỉ đồng; thời gian hoàn vốn dự kiến 22 năm 3 tháng.
Tuy nhiên, do phương án tài chính phê duyệt không khả thi nên dự án chưa được triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trước thực trạng quá tải của tuyến QL51, để sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tháng 11.2019 địa phương đã chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Nai có văn bản liên tỉnh báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền nhà nước ký và thực hiện hợp đồng dự án thành phần số 1 dài 46,8 km theo hình thức đối tác công tư.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT giao cho UBND tỉnh là cơ quan quyết định đầu tư dự án thành phần số 2 dài hơn 30 km, tổ chức triển khai dự án theo quy định.
Theo văn bản UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, thì sơ bộ dự án thành phần số 1 có đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 34,8 km, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài 12 km (bao gồm 3,2 km đường cao tốc và 8,8 km đoạn nhánh kết nối vào cảng Cái Mép) có tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.
Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 5.400 tỉ đồng. Cụ thể, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài 34,8 km, tổng mức đầu tư hơn 12.300 tỉ đồng; trong đó chi phí bồi thường GPMB hơn 4.700 tỉ đồng, các chi phí còn lại hơn 7.500 tỉ đồng.
Đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 2.600 đồng (đoạn cao tốc có tổng mức 851 tỉ đồng và đoạn nhánh kết nối vào cảng Cái Mép có tổng mức đầu tư gần 1.800 tỉ đồng); trong đó chi phí bồi thường GPMB khoảng 720 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: đối với dự án thành phần số 1 dài 46,8 km, xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ kinh phí bồi thường GPMB đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hơn 4.700 tỉ đồng; còn phần kinh phí xây dựng và các chi phí khác hơn 7.500 tỉ đồng sẽ do nhà đầu tư BOT thực hiện.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hỗ trợ phần kinh phí bồi thường GPMB khoảng 232 tỉ đồng cho đoạn cao tốc 3,2 km, phần kinh phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 619 tỉ đồng sẽ do nhà đầu tư BOT thực hiện.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bố trí ngân sách đầu tư đoạn tuyến nhánh dài 8,8 km dự kiến gần 1.800 tỉ đồng.
Đối với dự án thành phần 2 (đoạn từ Phú Mỹ-Vũng Tàu dài 28 km và 2,8 km đường nối), đây là đoạn tuyến cuối của đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, kết nối 3 đô thị của tỉnh gồm TX.Phú Mỹ – TP.Bà Rịa – TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT như sau: đoạn từ nút giao Phú Mỹ đến nút giao Vũng Vằn
(TP.Bà Rịa) có chiều dài 20 km, giữ nguyên đầu tư đường cao tốc, giao địa phương chủ động huy động vốn và quyết định đầu tư dự án; đoạn còn lại từ nút giao Vũng Vằn đến Vũng Tàu dài 8 km (nối 2 đô thị TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu) cho phép tách ra khỏi quy hoạch đường cao tốc để tỉnh quyết định đầu tư tuyến đường trục chính đô thị theo đúng quy hoạch xây dựng.
Tháo nút thắt giao thông, năng lực cảng
Ngoài dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị T.Ư hỗ trợ giải quyết thêm nhiều dự án khác.
Cụ thể, đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải là dự án trọng điểm quốc gia nhằm kết nối hệ thống cảng quốc tế trên sông Thị Vải với mạng lưới giao thông liên vùng phía nam.
Dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2009, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức hơn 6.300 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1 gồm đường và cầu có tổng chiều dài 18,1 km, giai đoạn 2 bao gồm cầu Phước An và đường dẫn đầu cầu dài hơn 3,2 km. Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay.
Hiện nay, do cầu Phước An chưa được đầu tư nên toàn bộ hàng hóa vận chuyển đường bộ từ hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải đi các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Long An… phải qua QL51.
Vì vậy, hiện nay QL51 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và kéo dài lộ trình vận chuyển khoảng 20 km so với đi qua cầu Phước An, làm ảnh hưởng đến năng suất, năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với các cảng trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, trước tầm quan trọng và sự cần thiết đầu tư dự án cầu Phước An, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính xem xét bố trí 2.000 tỉ đồng vốn ngân sách T.Ư cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để tỉnh triển khai và hoàn thành dự án; giao UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan để sớm khởi công xây dựng trong năm 2021.
Ngoài ra, đối với dự án QL56 – tuyến tránh TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã
kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, GTVT xem xét bố trí, bổ sung đủ vốn ngân sách T.Ư còn thiếu hơn 263 tỉ đồng để hoàn thành dự án trong 2021.
Đối với sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Côn Đảo và triển khai dự án nâng cấp sân bay này.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét có ý kiến chỉ đạo Bộ Quốc phòng tổ chức họp Hội đồng thẩm định làm cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch sân bay Hồ Tràm (xã Lộc An, H.Đất Đỏ)…
Theo Thanh niên