Dù chỉ mới đi được 1/4 chặng đường của năm 2020 song thị trường bất động sản đang có những diễn biến khá bất ngờ. Song song với đó là những nhận định trái chiều của giới chuyên gia.
Mức độ quan tâm đến thị trường thấp nhất trong 3 năm
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, quí I/2020, Hà Nội chỉ có 1.167 căn hộ mới được chào bán, lượng giao dịch đạt 181 sản phẩm. Trong quí, Hà Nội chỉ có 15 dự án được phê duyệt với 9.414 sản phẩm đủ điều kiện.
Còn tại TP HCM, theo số liệu từ Sở Xây dựng TP HCM, quí đầu năm chỉ có 4.664 sản phẩm mới được chào bán, lượng giao dịch đạt 815 sản phẩm. Trong quí, TP HCM có 10 dự án được phê duyệt với 2.816 sản phẩm đủ điều kiện.
Dữ liệu 3 tháng đầu năm 2020 của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS đã giảm 23% so với cùng kì 2019 và giảm 18% so với quí 4/2019. Đây được ghi nhận là mức quan tâm BĐS thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thị trường BĐS hiện có khoảng 80% nguồn cung là thứ cấp và 20% nguồn cung sơ cấp.
Người mua chờ hàng cắt lỗ, giá bán vẫn tăng
Thị trườngxuất hiện làn sóng rao bán tháo, bán cắt lỗ do dịch corona,… nhưng nhiều chuyên gia nhận định, BĐS hiện nay chưa có chuyện bán với giá cắt lỗ. Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng giá bán sơ cấp trong quí I hầu như không có sự sụt giảm.
Theo đánh giá của Savills, 3 tháng đầu năm, giá sơ cấp giữ ở mức ổn định theo quí và tăng 10% theo năm lên mức 1.460 USD/m2. Trừ khi dịch bệnh tiếp tục trong nửa cuối năm 2020, Savills nhận định sẽ không có sự điều chỉnh mạnh giá sơ cấp do tác động bởi dịch.
Đáng nói, trong vòng 5 năm qua, giá chào bán trung bình sơ cấp đã tăng đều 5% mỗi năm. Hạng A tăng trưởng cao nhất ở mức 10% theo năm do nguồn cung mới có tiêu chuẩn ngày càng cao.
Còn theo khảo sát của Batdongsan.com, trong quí đầu năm, giá bán BĐS vẫn tăng ở hầu hết tỉnh, thành phố. Cụ thể, với loại hình nhà riêng, Hà Nội ghi nhận mức tăng giá khoảng 4,5%, Đà Nẵng tăng khoảng 3,5%, TP HCM tăng 1%.
Với phân khúc chung cư, thị trường Hà Nội ghi nhận mức tăng giá 1,5%, giá bán trung bình khoảng 29,2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, TP HCM lại ghi nhận mức độ tăng giá 3%, tương tự Hà Nội, khoảng giá hiện nay của chung cư TP HCM là 40,3 triệu đồng/m2.
Giới chuyên môn cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường BĐS khó xảy ra bán tháo, cắt lỗ giống như giai đoạn trước đó là nguồn cung hạn chế, trong khi lực cầu lớn.
Nhà đầu tư săn đất nền bất chấp dịch
Những tháng đầu năm, thị trường BĐS đối mặt với sức mua ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Riêng đối với phân khúc đất nền, mặc dù cũng chịu những tác động nhất định nhưng vẫn được các nhà đầu tư săn đón.
Khảo sát của Batdongsan.com cho biết, đất nền cũng là loại hình chịu ít tác động khi mức độ quan tâm của toàn thị trường đối với loại hình này chỉ giảm 14% so với quí trước. Trong đó, miền Bắc là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất với mức độ quan tâm giảm 13%.
Tại một số thị trường tỉnh miền Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Kiên Giang…, tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ đất nền diễn ra mạnh.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, trong các đợt khủng hoảng trước đây và cả hiện tại, sản phẩm đất nền hướng tới nhu cầu đầu tư trong dài hạn với đầy đủ pháp lí, chất lượng tốt, vị trí đẹp, giá hợp lí luôn duy trì được nhu cầu và vẫn có giao dịch.
Cơn sốt đất giữa mùa dịch xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) thời gian vừa qua là một minh chứng rõ nét cho thấy đất nền vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Trao đổi với PV, một môi giới lâu năm tên Tân cho biết, thời gian gần đây, lượng người tìm mua đất nền vẫn tương đối nhiều. “Có ngày phải có tới chục khách gọi điện hỏi. Có người không ngại dịch bệnh, vẫn đề nghị đến tận nơi để xem. Dù có dịch hay không có dịch thì đất nền vẫn giữ được sức hút riêng”, môi giới này nói.
Giữa khủng hoảng, giá đất khu công nghiệp vẫn tăng
Theo JLL, giá đất trung bình ở miền Bắc trong quí I/2020 đạt 99 USD/m2/chu kì thuê, tăng 6,5% so với cùng kì năm trước. Trong đó, nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định từ 4-5 USD/m2/tháng và đều được lấp đầy.
Còn ở miền Nam, JLL ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Cụ thể, giá đất trung bình trong quí đầu năm đạt 101 USD/m2/chu kì thuê, tăng 12,2% so với cùng kì.
Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.
Thực tế, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch COVID-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Đặc biệt, miền Bắc là khu vực thu hút hầu hết các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc nhờ nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí gần kề với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trái chiều nhận định thị trường, NĐT nên làm gì?
Dù chỉ mới đi được 1/4 chặng đường của năm 2020 song thị trường BĐS đã đứng trước khá nhiều nhận định trái chiều của giới chuyên gia, đặc biệt là câu hỏi “lúc nào thích hợp để bắt đáy BĐS”?
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nhiều người sẽ mua được nhà với giá hợp lí trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư cũng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm tiềm năng cho giỏ hàng của mình. Bởi dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng mạnh đồng nghĩa giá nhà tại Việt Nam có thể sẽ nóng lên thời gian tới.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nếu nói đây là thời điểm vàng để bắt đáy BĐS là chưa đúng vì thị trường vừa mới bước vào giai đoạn khó khăn, giá chưa giảm nhiều. “Xét về tình hình chung, xuống tiền vào thời điểm vài tháng tới sẽ tốt hơn là xuống tiền luôn vào thời điểm này”, vị này nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi công bố báo cáo thị trường quí I/2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com đưa ra quan điểm : “Chúng tôi không nhìn thấy xu hướng bán tháo, cắt lỗ. Chúng tôi cũng không nghĩ chủ đầu tư sẽ giảm giá ở giai đoạn này”.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng