19 năm qua, Tp.HCM đã phát triển hàng loạt tuyến đường và mọc lên dày đặc các khu nhà cao tầng dọc hai bên đường…
Hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc các tuyến đường có vị trí đắc địa, khiến cho giao thông các khu vực cửa ngõ vào thành phố trở nên khó khăn hơn. Giao thông chật chội là hệ quả của việc phát triển đô thị phá vỡ quy hoạch, quy hoạch lại không kịp điều chỉnh theo tình hình mới.
19 năm qua, Tp.HCM đã phát triển hàng loạt tuyến đường và mọc lên dày đặc các khu nhà cao tầng dọc hai bên đường. Các tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), dọc bến Vân Đồn (quận 4), Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ (quận 2)… đang gánh một lượng lớn các dự án nhà cao tầng.
Đơn cử khúc đường Nguyễn Hữu Cảnh với các khối nhà cao tầng, hàng chục ngàn căn hộ nằm san sát nhau, khiến cho người dân cảm thấy ngẹt thở. Bê tông hóa khiến cho môi trường sống giảm rõ rệt. Không khí ngộp hơn, nóng bức hơn vì hướng gió bị che chắn và bụi bặm hơn. Giao thông ở các tuyến cửa ngõ vào trung tâm Tp.HCM là nỗi ám ảnh của người dân thành phố.
Với lượng lớn dân số chuyển về sinh sống ở các cung đường cửa ngõ khiến cho lưu lượng xe cộ di chuyển đông đúc vào các giờ cao điểm. Ví dụ buổi sáng từ 7h-8h30, các tuyến đường như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Cộng Hoà, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, người và xe cộ phải nhích từng bước.
Thậm chí các tuyến đường lớn mới mở như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt cũng kẹt cứng vào các giờ cao điểm. Để giải phóng lưu lượng xe cộ dồn cục, cơ quan giao thông đô thị lập các biển báo hướng dẫn xe vào các đường hẻm, len lỏi trong khu dân cư. Dù vậy, vào giờ cao điểm, từ đường lớn đến đường nhỏ cũng đều chật người, xe.
Việc phát triển nhà cao tầng ồ ạt ở khu trung tâm thành phố là nguyên nhân gây nên tình trạng lượng lớn xe cộ và người di chuyển vào làm việc. Chỉ một đoạn đường tầm 15km nhưng người dân phải di chuyển gần 1 tiếng đồng hồ. Trong khu vực trung tâm giờ đây không còn phân biệt giờ cao điểm hay thấp điểm. Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 – 2020 mà Ủy ban nhân dân Tp.HCM đã phê duyệt theo hướng hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm và nội đô.
Theo đó, tại khu vực trung tâm gồm quận 1, 3, từ nay đến năm 2020, không phát triển các dự án nhà ở mới. Các quận nội thành gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, tập trung hoàn thiện các dự án đang dở dang và cũng bị hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới. Đối với các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức chỉ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang.
Các khu vực này được phép phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông như tuyến Metro số 1 qua các quận 2, 9, tuyến đường Phạm Văn Đồng qua quận Thủ Đức.
Đến nay, chỉ sau vài năm phát triển hạ tầng mới ở các quận 2, 9 và Thủ Đức, thị trường nhà đất và đô thị đã thay đổi từng ngày. Số lượng nhà cửa riêng lẻ của người tự xây dựng phát triển nhanh. Các doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng bám theo các tuyến đường lớn, khu vực kết nối giao thông thuận tiện để phát triển hàng loạt các dự án nhà ở cao tầng.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đất dành cho giao thông tại Hà Nội, Tp.HCM mới chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ Tp.HCM đã khẳng định, giao thông là một trong những vấn đề nan giải của thành phố. Tại Tp.HCM hiện cứ 10 km2 mới chỉ có 2,1km đường. Như vậy, để đạt chuẩn giao thông theo chuẩn đô thị thì thành phố phải mất 50 năm mới làm xong. Trong khi đó, dân số thành phố không ngừng tăng cao.
Bên cạnh giao thông, tình trạng ngập úng cũng rộng hơn và phức tạp hơn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn, luôn trong tình trạng ngập mỗi khi có mưa lớn. Nếu mưa và kết hợp với triều cường thì người dân thành phố vô cùng khổ sở.
Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương như Tp.HCM. Bám đường lớn, khu vực có hạ tầng giao thông thuận tiện là cách mà ngành bất động sản đang thực hiện. Điều này, tạo nên những không gian đông đúc, nhưng cũng tạo ra nhiều sức ép cho hạ tầng đô thị trong bối cảnh hoạt động đầu tư còn hạn chế.
Theo Vneconomy