Với giới đầu tư, Long Thành là một trong những địa danh quen thuộc với nhiều dự án bất động sản lớn nhỏ. Thời gian gần đây, thông tin về việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành một lần nữa kích hoạt sự chuyển động của thị trường địa ốc. Đặc biệt là với các dự án đã được quy hoạch nằm trong lõi trung tâm, gần sân bay càng được giới đầu tư săn đón.
Giao dịch tăng
Kể từ sau khi Quốc hội chính thức thông qua việc xây dựng sân bay Long Thành, giá đất long thành đã có sự tăng vọt và xác lập nên một mặt bằng giá mới.
Anh Điệp, một chuyên viên môi giới bất động sản khu vực này cho biết, bất cứ một động thái nào trong việc triển khai dự án cũng được giới đầu tư quan tâm. Vì vậy thời gian gần đây giao dịch và mức giá tại nhiều dự án cũng có dấu hiệu tăng nhiệt. Đặc biệt là các dự án được quy hoạch bài bản, pháp lý rõ ràng. Bởi đây là các dự án hứa hẹn sẽ mang lại giá trị gia tăng cao sau khi sân bay được khởi động.
Không chỉ giá đất tăng cao mà tình hình giao dịch tại huyện Long Thành gần đây cũng tăng đột biến.
Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Long Thành, chỉ tính trong tháng 4 và tháng 5/2019 đã tiếp nhận gần 2.800 hồ sơ xin chuyển nhượng đất. Trong đó riêng tháng 5 có đến gần 1.600 hồ sơ.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết trước đây trên địa bàn huyện có hiện tượng phân lô bán nền, nhưng từ khi có chủ trương siết chặt việc phân lô bán nền, khoảng từ giữa năm 2018 đến nay, Long Thành không phát sinh bất kỳ dự án bất động sản phân lô bán nền nào mới.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc siết chặt các dự án phân lô bán nền đã khiến nguồn cung sản phẩm của Long Thành trở nên khan hiếm. Các dự án được quy hoạch 1/500 bài bản, đặc biệt là các dự án nằm trong lõi trung tâm của dự án sân bay Long Thành được giới đầu tư săn đón.
Chẳng hạn như mới đây, Công ty bất động sản Asia New Time, đơn vị phát triển dự án Long Thành Central, công bố dự án ra thị trường và đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Dự án có khoảng 200 sản phẩm nhà phố và biệt thự, nằm trong lõi khu đô thị thông minh phía bắc sân bay Long Thành cùng mặt tiền đường rộng 80m.
Hạ tầng đẩy giá bất động sản
Về việc chuẩn bị mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, cho biết đây là dự án duy nhất hiện nay của cả nước được Quốc hội cho phép tách ra thành hai dự án độc lập là “đền bù, giải phóng mặt bằng” và “đầu tư xây dựng sân bay”.
Về phía trách nhiệm của tỉnh trong việc chuẩn bị mặt bằng, Đồng Nai cho biết có thể bàn giao mặt bằng bất cứ lúc nào cho chủ đầu tư, đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện để việc xây dựng sân bay diễn ra một cách thuận lợi nhất, sớm nhất.
Để chuẩn bị cho kế hoạch này, chính quyền huyện Long Thành đã nghiên cứu đề án thành lập thị xã Long Thành, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ. Long Thành cũng hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại nhằm trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 và là đô thị loại 3 vào năm 2025.
“Khi sân bay Long Thành được khởi động, thị trường bất động sản Đồng Nai sẽ còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là khu vực quanh sân bay Long Thành sẽ có sự phát triển đột phá, bởi nhu cầu về nhà ở, nhu cầu kinh doanh thương mại sẽ tăng lên đột biến”, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, nhận định.
Ông Tiến cũng cho rằng, lúc đó mặt bằng giá bất động sản Long Thành sẽ phải so sánh với mặt bằng bất động sản ở thành phố Biên Hòa hiện hữu chứ không còn như hiện nay.
Giới đầu tư nhận định, ngoài sân bay Long Thành, khu vực này còn đón hàng loạt dự án phát triển hạ tầng nhằm gia tăng kết nối với các trung tâm kinh tế của miền Nam.
Đơn cử mới đây, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã họp bàn phương án triển khai cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với Nhơn Trạch của Đồng Nai. Khi cầu Cát Lái được hình thành, hệ thống giao thông TP.HCM – Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM – Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.HCM – sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trong ngày thường lẫn dịp lễ.
Đó là chưa kể các tuyến đường huyết mạch quốc gia đều đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng như quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, qua đó làm cho bộ mặt hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thay đổi nhanh chóng.
Theo Cafeland