Tại TP HCM, nhiều chủ đầu tư tại huyện Củ Chi đang ra sức tìm cách xây dựng những ngôi nhà “3 chung”. Trong khi đó, quận 12 và huyện Hóc Môn đang phải chật vật để giải quyết hậu quả mà loại nhà này để lại.

Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi nằm giáp huyện Hóc Môn, qua cầu Rạch Tra, dọc theo Tỉnh lộ 9. Tại đây, hàng chục ruộng rau muống đã được san lấp để xây dựng những dãy nhà gần giống nhau. Những ngôi nhà này được gọi là “nhà 3 chung” vì có chung giấy phép, chung giấy đất và chung số nhà.

Rầm rộ xây dựng và rao bán

Ông Phúc là “chủ đầu tư” một dãy nhà gồm 20 căn. Dẫn chúng tôi đi sâu vào khu đường nội bộ để đến căn nhà đang cần bán, ông đon đả giới thiệu: “Mỗi căn nhà ngang 4m, dài 15m, xây dựng kiên cố, đường bê tông ngon lành, giá 1,2 tỷ đồng, giấy tờ chung. Chị cứ xem, ưng bụng thì hai bên dẫn nhau ra văn phòng thừa phát lại lập vi bằng”.

Trả lời câu hỏi “Ai là người sở hữu giấy tờ nhà?”, ông Phúc trả lời: “Chủ đầu tư sẽ giữ sổ, khi ai cần việc gì thì liên hệ chủ đầu tư, bởi toàn bộ 20 căn nhà này chung một giấy hồng, không thể giao cho ai giữ được”. Thấy chúng tôi còn e ngại, ông nói thêm: “Tôi làm ăn lâu năm nên uy tín, sắp tới còn triển khai thêm một khu bên ruộng rau muống đối diện, chị mua ở đây không lầm, mua chỗ khác có khi đất một nơi, mà nhà một chỗ”.

Ông Hinh sở hữu một dãy “nhà 3 chung” gồm 15 căn, nằm cách dãy nhà của ông Phúc khoảng 200m. Khu nhà này trước đây là ruộng rau muống, hiện là 2 dãy nhà đã được bán gần hết. Đi qua đường 165, cách một con hẻm là một dãy nhà mới hoàn tất, gồm 40 căn, có giá bán mỗi căn là 1,1-1,2 tỷ đồng.

Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi hiện không khác gì một đại công trường xây dựng. Nằm dưới chân cầu Bình Thuận, đường 167 đi vào có 3 dãy nhà, một dãy 10 căn và hai dãy 20 căn đang được xây dựng.

Trên đường Trương Thị Thơm cũng có 10 căn “nhà 3 chung” do ông Trình sở hữu đang được rao bán. Dù giữa trưa nắng nhưng vẫn có khách đến xem nhà tuy nhiên chưa chốt được giá. Mới về ở khu nhà này được 2 tháng, bà Nguyễn Thanh nói: “Ở cũng được, giá cả phù hợp túi tiền, nhà rộng và mát. Chỉ có điều 10 căn nhà chung một sổ hồng nên khi cần việc gì có liên quan đến giấy tờ nhà thì phải liên hệ chủ gốc, làm tạm trú hay hộ khẩu thì khó do nhiều căn chung một số nhà, phải xin tạm trú nơi khác đăng ký cho con đi học”.

Những khu “nhà 3 chung” dù không còn được xây dựng rầm rộ như trước nhưng vì còn nhiều người muốn mua nên vấn nạn này vẫn đang âm ỉ tại nhiều quận, huyện như: Bình Tân, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè…

Chưa có hướng xử lý

Bà Thanh cũng chia sẻ, bà và nhiều người đã nghe đến những cảnh báo về thiệt thòi khi mua “nhà 3 chung”. Tuy nhiên, nếu không mua “nhà 3 chung”, với số tiền 1 tỷ đồng trong tay, gia đình bà không thể mua được một căn nhà nào khác có đầy đủ giấy tờ và tươm tất. Do đó, bà quyết định đánh cược vào sự “đàng hoàng” của chủ đầu tư. Bà Thanh hy vọng: “Ngoài sự ‘liều’ thì chúng tôi cũng hy vọng chính quyền sẽ cho hợp thức hóa ‘nhà 3 chung’ để chúng tôi được an cư như trước đây chính quyền đã từng cho hợp thức hóa những nhà ‘lỡ xây’ ở Tân Phú, Gò Vấp…”.

Về tình trạng “nhà 3 chung” này, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi, ông Nguyễn Thái Bình thừa nhận có sự bùng phát tại xã Bình Mỹ trong thời gian vừa qua. Ông Bình lý giải là do việc cấp phép, xây dựng chưa được quy định rõ ràng, vẫn có khe hở để người dân lách luật. Một nguyên nhân khác là đất tại xã Bình Mỹ có giá trị hơn nhiều đất tại các địa phương khác do nằm giáp ranh giữa huyện Hóc Môn và tỉnh Bình Dương.

Luật Xây dựng, Luật Nhà ở quy định, những trường hợp xin xây dựng nhà ở riêng lẻ quy mô lớn là hợp pháp, việc cấp giấy phép xây dựng là không sai, các tiêu chí về mật độ, hệ số, quy hoạch… vẫn được đảm bảo nhưng khi xây dựng lại chia thành nhiều căn, nhiều vách, nhiều cầu thang, tạo nên nhiều nhà liền kề và tiến hành mua bán bằng giấy tay là sai quy định.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Củ Chi cũng cho hay, trước hết, với các công trình là mái che, hàng rào sai thiết kế, huyện sẽ yêu cầu các chủ đầu tư tự tháo dỡ. Tuy nhiên, với kết cấu bên trong căn nhà vẫn cần chờ hướng dẫn xử lý từ các sở, ngành liên quan. Ông Bình đề xuất: “Để hạn chế những phát sinh tranh chấp từ ‘nhà 3 chung’, các sở, ngành cần sớm nghiên cứu đề xuất hướng xử lý phù hợp… Thực tế cho thấy nếu Củ Chi ‘siết’ thì người dân sẽ chạy qua địa bàn khác lập vi bằng, điều này đã làm khó cơ quan chức năng trong quản lý ‘nhà 3 chung'”.

Để ngăn vấn nạn “nhà 3 chung”, trong 1 năm trở lại đây, UBND huyện Hóc Môn đã giám sát chặt việc cấp giấy phép xây dựng mới. Cụ thể, nếu vi phạm việc lắp vách, phân căn, chủ đầu tư sẽ bị lập biên bản, ngừng cấp điện, nước và phải tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng như trong giấy phép. Đại diện UBND huyện Hóc Môn thông tin: “Không chỉ thanh tra địa bàn mà từ cấp xã đến ấp, công an khu vực đều có trách nhiệm giám sát không cho chủ đầu tư tiếp tục vi phạm, công trình nào vi phạm, ban nhân dân ấp sẽ giám sát không cho xe chở vật liệu xây dựng và công nhân xây dựng vào công trình khi chủ đầu tư chưa khắc phục vi phạm”.

Theo Người lao động