Hàng loạt khu đô thị được coi là kiểu mẫu, là nơi đáng sống nhất Hà Nội đang phải đối mặt nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan tới việc điều chỉnh quy hoạch tại một số khu đô thị (KĐT) ở Hà Nội như Ciputra hay khu Đoàn Ngoại giao; yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Thay đổi quy hoạch, dân kêu cứu
Thời gian vừa qua, các hộ dân ở Ciputra (KĐT Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) kiến nghị khẩn cấp về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Cụ thể, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch trong KĐT Ciputra do chủ đầu tư xây dựng, một ô đất trước đây quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa nhà cao từ 45 đến 68 tầng.
Ngoài ra, một lô đất diện tích gần 13.400 m2 có chức năng là bãi đỗ xe nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Ô đất TM-13 diện tích gần 55.000 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ thì nay được đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người.
UBND TP Hà Nội đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất theo đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Tuy nhiên, cộng đồng dân cư tại đây cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch là vì lợi ích của nhà đầu tư, không phải vì lợi ích của người dân.
Trên địa bàn Hà Nội, người dân ở nhiều khu chung cư, KĐT khác cũng đang kêu cứu, đấu tranh đòi quyền lợi nhiều năm nay vì những lý do tương tự dự án trên.
Quy hoạch bị tư nhân tác động?
Theo kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phát triển đô thị là điều tất yếu của thời đại. Hà Nội nói riêng và các đô thị khác ở Việt Nam nói chung cũng theo xu hướng đó.
Theo quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Hà Nội, TP này được phân chia thành khu phố cổ, khu phố cũ và khu phố mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm cải tạo, nghiên cứu, quy hoạch thì vô hình trung đã làm khu phố cổ biến dạng, không còn giữ được hồn cốt của phố cổ nữa. Khu phố cũ thì hàng ngàn căn biệt thự cổ đã bị hạ giải, xâm chiếm, thay đổi hiện trạng đồng thời phá hết những giá trị, dấu ấn, trí nhớ của Hà Nội. Trong khi đó, ở khu phố mới thì cho xây dựng quá nhanh, quá nhiều dẫn đến việc đô thị đang phát triển ngổn ngang, những khu mới được xây dựng đều phát sinh những hệ lụy về giao thông, hạ tầng, đời sống người dân…
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Hà Nội đã định hướng quy hoạch 5 thành phố vệ tinh. Đô thị cũ sẽ được giữ theo hướng nâng cấp là chính. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai, đô thị Hà Nội lại “phình” về các phía. Thậm chí, ở một số nơi, việc phát triển là tự phát.
“Nhìn chung, tôi đánh giá lợi ích tư nhân đang dẫn đường cho phát triển chứ không phải theo quy hoạch của nhà nước. Nói cách khác, việc điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội chủ yếu dựa theo ý kiến, đề xuất của nhà đầu tư tư nhân. Lợi ích tư nhân đang chiếm hết không gian phát triển thực sự” – ông Đặng Hùng Võ băn khoăn.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó. “Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án có thể có tác động nhất định, ở những giai đoạn nhất định? Đây là hoạt động cần kiểm soát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện hành vi này” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Theo Người lao động