Quỹ đất không còn, nguồn cung sụt giảm mạnh, phân khúc nhà giá rẻ cho người dân vì thế cũng bị co hẹp đến mức gần như “tuyệt chủng”.
Đây là thực tế mà người dân có thu nhập thấp muốn mua nhà ở giá rẻ tại TP.HCM đang phải đối mặt.
Mơ hồ nhà ở giá rẻ
Theo một số chuyên gia bất động sản, đa số khách hàng đang còn mơ hồ về tiêu chí đánh giá thế nào là nhà ở giá rẻ. Thông thường, chỉ những người am hiểu, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản mới đủ năng lực đưa ra đánh giá về khái niệm này.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng nhà giá rẻ phải hội đủ 2 yếu tố. Thứ nhất là tổng giá trị căn nhà bao nhiêu tiền. Thứ 2 là người mua nhà phải chia nhỏ mỗi mét vuông mình mua giá trị là bao nhiêu. Khi đó mới có cơ sở đánh giá nhà mua có rẻ hay không.
“Ngay cả ở Bình Dương hiện tại, giá mỗi căn chung cư 60m2 rơi vào khoảng 2 tỷ 300 triệu đồng. Tính ra mỗi mét vuông trị giá gần 40 triệu đồng. Với mức giá này thì không phải là chung cư giá rẻ nữa.
Tính toán là một chuyện, còn mua được nhà giá rẻ hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Thấp nhất mỗi cặp vợ chồng trẻ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng mới tính chuyện mua nhà ở Sài Gòn”, ông Phúc cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành TP.HCM cũng cho rằng hiện tại, ở TP.HCM, chung cư rẻ nhất cũng phải tầm từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng chứ không còn nhà 1 tỷ nữa.
“Cứ cho là mua nhà 1,5 tỷ thì mỗi cặp vợ chồng phải tích lũy sẵn có 450 triệu, vay gần 1 tỷ. Tiền vay chia 20 năm trả lãi mỗi tháng 10 triệu đồng, thêm tiền gốc thì mỗi tháng tổng chi phí cho nhà cũng gần 15 triệu đồng. Đối với những cặp vợ chồng trẻ hiện nay, mua nhà ở Sài Gòn thật sự là một gánh nặng”, ông Đực nhận định.
Doanh nghiệp không mặn mà
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy, hiện tại, căn hộ giá bình dân gần như về con số 0. Năm 2018, thống kê tỷ lệ nhà giá rẻ 400 đến 500 triệu còn 2% nhưng bước sang năm 2019 thì phân khúc này gần như “tuyệt chủng”.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, điểm chung của các doanh nghiệp là nếu xin được dự án thì tập trung làm nhà giá cao cho lời. Trong khi đó, nếu làm nhà giá rẻ thì thủ tục rất phức tạp. Quỹ đất thành phố không còn nên các doanh nghiệp càng tận dụng tối đa.
“Doanh nghiệp hiện tại đều trục lợi, vị kỉ, tất cả vì lợi ích doanh nghiệp mình chứ không ai lo đi làm vì cộng đồng, đó là thực tế chung”, ông Đực nhận định.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc nói rằng nhu cầu nhà giá rẻ trong xã hội là rất lớn nhưng không có nhà. Nguyên nhân là vì không ai tạo ra nguồn cung, trong khi làm nhà ở xã hội thì dân không với tới được do không đủ tiêu chuẩn cũng như thủ tục, chính sách, tiếp cận quy hoạch.
“Doanh nghiệp nào muốn làm bất động sản phải có 3 điều quan trọng: đất, tài chính, thủ tục pháp lý. Thử hỏi nếu có đất quận 1 thì ai đi làm nhà 2 tỷ để bán. Muốn nhà 2 tỷ phải ra ngoại thành nhưng giờ không có đất làm, ngoài rìa cũng không còn. Nguồn cung ngày càng hạn hẹp nên phân khúc bình dân gần như triệt sản”, ông Phúc nói thêm.
Đánh giá về nguồn cung nhà giá rẻ hiện tại, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định, nguồn cung nhà ra thị trường sụt giảm, trong đó nhà giá rẻ không có cung ứng ra thị trường. Cung không đủ cầu, mặt bằng gíá bị đẩy lên kịch trần, cơ hội tạo lập nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng giảm đi.
“Tới đây, hiệp hội tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị rà soát thanh tra. Thành phố và cơ quan Trung ương vừa qua đã giải thoát cho một loạt dự án hoạt động trở lại nhưng phần lớn là dự án bất động sản giá cao chứ không có giá thấp” ông Châu chia sẻ thêm.
Theo Vietnamnet