Theo đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, những thông tin có lợi cho thị trường như việc lên quận có thể đẩy giá đất tăng vài % là điều hợp lý, nhưng nếu giá tăng đến vài chục % thì rất bất hợp lý. Giá trị BĐS chỉ tăng khi thực sự có hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực đó, giá trị BĐS tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư.

Tại buổi báo cáo Tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2019 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VARs đưa ra một số nhận định về hiện trạng sốt đất tại 4 huyện dự định lên quận của Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, giá trị BĐS chỉ tăng khi thực sự có hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực đó, giá trị BĐS tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư. (Ảnh: VnEconomy)

Theo ông, cơn sốt đất tại các địa phương trên cả nước hiện nay hầu như diễn ra theo hướng một chiều, tức là giữa các nhà đầu cơ với nhau nhằm tạo sóng thị trường, chứ thực tế các giao dịch trong những cơn sốt này gần như không có. Các địa phương từ nông thôn chuẩn bị lên đô thị, được cơ quan chức năng xác nhận là có đề xuất quy hoạch từ huyện lên quận, dù chưa được phê duyệt, thì chắc chắn vẫn sẽ tác động đến giá cả thị trường BĐS.

“Tuy nhiên, những thông tin có lợi cho thị trường đẩy giá đất tăng lên vài % thôi là điều hợp lý, nhưng nếu giá tăng đến vài chục % thì rất bất hợp lý. Giá trị BĐS chỉ tăng khi thực sự có hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực đó, giá trị BĐS tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư”, ông Đính khẳng định.

Nếu cơ sở hạ tầng thực tế tại khu vực không đảm bảo chất lượng thì người ta sẽ không sử dụng các sản phẩm của những dự án BĐS tại đó nữa, giống như ở Hoài Đức hay Mê Linh như ta đã thấy.

Phó Chủ tịch VARs nêu ví dụ, mười mấy năm trước, các dự án tại Hoài Đức đã sốt, sau đó dừng lại, lắng xuống và im luôn. Nguyên nhân là vì ngoài những dự án được giao bán thì không có bất kỳ sự đầu tư thêm nào phục vụ cho sự phát triển của khu vực, như đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dịch vụ… để đảm bảo cho chất lượng sống của khu vực xung quanh đô thị ấy.

Bây giờ lại có thông tin nhà đất Hoài Đức tăng giá, trong khi không hề có hoạt động đầu tư mới nào vào đây mà giá trị BĐS tăng đến mấy chục % thì quá bất hợp lý.

Tuy nhiên, trong số 4 huyện này, đại diện Hội Môi giới đánh giá cao tiềm năng của thị trường Đông Anh bởi nơi đây được dự kiến trở thành đô thị hiện đại nhất Hà Nội, đẹp hơn cả đô thị lõi ở Hoàn Kiếm với hàng loạt các dự án đã công bố quy hoạch như đô thị thông minh, triển lãm quốc tế…

“Tất cả chủ đầu tư của các dự án này đều đang trong quá trình triển khai. Nhưng theo tôi được biết, chủ đầu tư hoạt động tốt nhất hiện nay cũng mới chỉ đang ở bước thương lượng, đền bù đất, còn lại hai trục từ đường 5 lên Nội Bài và từ cầu Nhật Tân lên Nội Bài, hai bên đường vẫn toàn bắp cải, su hào chứ chưa được đầu tư thêm gì, vậy mà giá đất vẫn tăng”, lãnh đạo VARs đánh giá.

Tại Đông Anh, Hội Môi giới ghi nhận một loạt dự án đang tăng giá rất tốt. Như một dự án ở ngay gần cầu Đông Trù, so với cùng kỳ năm trước đã tăng giá hơn 20%, mức tăng này không hề ảo, vì trước đó dự án bán nhà theo diện nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng hiện nay đã có 3 – 4 tòa nhà cất nóc và đang chờ đợi hình thành cây cầu Tứ Liên chạy thẳng từ đường Thanh Niên sang.

Đại diện VARs khẳng định: Chỉ khu vực, dự án đã có đầu tư hạ tầng thì mới có sự tăng trưởng thực của giá trị BĐS. Còn những vùng khi dự án tung hàng thì mới đưa thông tin tăng giá lên dư luận thì đều ảo.

Theo Vietnambiz