Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn đang diễn biến phức tạp, không ít công trình vi phạm xây dựng đã được chỉ rõ nhưng việc xử lí còn chậm và chưa triệt để. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang “miệt mài” đi tìm giải pháp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã có cuộc họp để cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Những công trình vi phạm, đặc biệt là các công trình sai phép, không giấy phép tồn tại suốt thời gian dài nhưng chậm được xử lí hoặc phạt cho tồn tại. Đề nghị đánh giá thực trạng này.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng. Đối với việc có phạt cho tồn tại hay không, ông Hà khẳng định: “Theo nghị định 139 thì từ 1/1/2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa”.
Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã có sự quyết liệt trong việc lập lại trật tự xây dựng, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xây dựng sai phép, không phép. Trong khi đó, việc xử lí vi phạm còn chậm và phát sinh nhiều bất cập.
Sai phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”
Sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (Đống Đa, Hà Nội) là điển hình cho việc loay hoay xử lí vi phạm trật tự xây dựng. Từ thời điểm phát hiện sai phạm cho đến khi xử lí đã kéo dài suốt 4 năm nay nhưng vẫn chưa được xử lí dứt điểm.
Trước đó, tháng 11/2015, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản chính thức về phương án, giải pháp tháo dỡ phần công trình xây dựng sai tại dự án số 8B Lê Trực.
Theo đó, hoặc là chủ đầu tư tự dỡ bỏ công trình sai phạm, hoặc là bị cưỡng chế. Toàn bộ chi phí thuê tư vấn lập phương án, giải pháp tháo gỡ và thẩm tra phương án, giải pháp tháo gỡ sẽ do chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực chịu trách nhiệm.
Mặc dù đã hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) từ tháng 10/2016 nhưng đến nay (tháng 9/2019), việc xử lí sai phạm vẫn chưa có tiến triển, các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu phương án xử lí tiếp theo.
Công trình này cũng được các đại biểu nêu ra ít nhất hai lần tại Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng đã phải giải trình nhiều lần.
Hiện các cơ quan chức năng TP Hà Nội vẫn đang “loay hoay” tìm phương án phá dỡ giai đoạn 2 (phần công trình không xây giật cấp và tầng 17, 18) vì các phương án phá dỡ đưa ra đều được các cơ quan chuyên môn đánh giá là không đảm bảo an toàn, việc phá dỡ giai đoạn 2 chưa triển khai được.
Tương tự, thời gian vừa qua, dư luận cũng quan tâm và đặt nhiều dấu hỏi xung quanh những sai phạm tại tổ hợp HH Linh Đàm.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 khu du lịch tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tự ý điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20, 30 tầng lên tối đa 40 tầng.
Sai phạm đã rõ thế nhưng đến nay, việc xử lí dường như vẫn đi vào bế tắc. Liên quan đến dự án này, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6/2019, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định vụ việc này thuộc trách thuộc trách nhiệm xử lí của Hà Nội chứ không phải của Bộ Xây dựng.
Trước đó, cũng trả lời về những sai phạm liên quan đến dự án chung cư HH Linh Đàm tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2017, ông Hà đã khẳng định, doanh nghiệp Mường Thanh có sai phạm lớn ở Linh Đàm, Bộ Xây dựng đã có xử lí vi phạm, còn xử lí sai phạm sâu hơn là trách nhiệm của TP Hà Nội.
Dấu hiệu buông lỏng quản lí
Nhắc đến “điểm đen” về trật tự xây dựng thời gian vừa qua không thể không nhắc đến Dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (Khánh Hòa).
Năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Thiên Nhân II (Công ty Thiên Nhân) đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang.
Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Thiên Nhân II bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì dự án rơi vào cảnh “rắn không đầu”.
Lợi dụng tình hình trên, một số cá nhân đã cố tình có hành vi thao túng tự ý mua bán nhà đất, xây dựng trái phép trên đất dự án nhằm trục lợi.
Được biết, diện tích dự án 7,28 ha, trong đó diện tích xây dựng 5,15 ha, diện tích đất rừng phòng hộ là 2,12 ha. Theo qui hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt gồm có 2 khu: Khu biệt thự có 69 lô, mật độ xây dựng 40-60%, được xây từ 1 đến 3 tầng, được phép xây dựng tầng hầm.
Tuy nhiên, một số hộ đã tự ý xây khách sạn có độ cao từ 5-6 tầng, thậm chí có khách sạn cao đến 8-9 tầng, hoàn toàn sai với qui định ban đầu (theo qui hoạch dự án thì khu biệt thự chỉ được xây cao không quá 3 tầng với chiều cao tối đa 13,7m).
Ngay sau khi nhận quyết định tống đạt cưỡng chế của Sở Xây dựng Khánh Hòa, nhiều chủ đầu tư các căn biệt thự xây dựng vượt tầng đã “kí đơn tập thể” xin để công trình được tồn tại.
Liên quan đến vụ việc này, trả lời chất vấn tại kì họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI vào ngày 10/7 vừa qua, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cam kết những căn hộ xây dựng sai qui hoạch là “phải đập”, “phải chặt”.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sẽ phối hợp UBND TP Nha Trang kiểm tra, lập biên bản buộc tháo dỡ những công trình xây dựng sai qui hoạch tại Khu biệt thự Ocean View Nha Trang trong thời gian sớm nhất, không để kéo dài dây dưa.
Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi vì sao Sở Xây dựng không sớm có biện pháp ngăn chặn sai phạm khi mới phát sinh mà để đến khi hàng chục căn hộ cao tầng mọc lên mới loay hoay tìm cách giải quyết hậu quả, gây lãng phí …
Còn nếu chấp nhận cho những sai phạm trên tồn tại, không chỉ phá vỡ qui hoạch, cảnh quan đô thị… mà còn tạo tiền lệ xấu cho sau này.
Hay như gần đây, hàng loạt các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được báo chí phản ánh, trong đó, có những công trình lớn nhưng chung cư, bệnh viện… nhưng vẫn được cơ quan chức năng phát hiện chậm trễ.
Dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều (Housinco Premium) xây vượt 4 tầng so với Giấy phép xây dựng là một ví dụ.
Sai phạm tại dự án này phát sinh ngay từ các tầng thương mại (tầng 2- 6) của công trình nhưng không được xử lí triệt để. Và khi có quyết định xử phạt hành chính, dừng thi công nhưng công trình này vẫn tổ chức thi công và xây cao tới tầng 28.
Gần đây nhất, vụ việc nhà hàng Panorama xây dựng trái phép trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) đang là tâm điểm của dư luận khi được ví như chiếc “gai bê tông” phá nát cảnh quan thiên nhiên.
Cụ thể, Mã Pì Lèng Panorama là tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng chưa được cấp phép xây dựng.
Công trình này do bà Vũ Ngọc Ánh (sinh năm 1962, trú tại TP Hà Giang) làm chủ đầu tư. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hằng năm. Chia sẻ với báo chí, bà Ánh cho biết, nếu như công trình bị thu hồi, bà “chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế”.
Sai phạm đã rõ thế nhưng việc tìm ra phương án xử lí cũng gây khá nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng nên “hợp thức hóa” công trình sai phạm trong trong khi đó đa số ý kiến cho rằng phải nhanh chóng đập bỏ công trình, trả lại nguyên trạng cho đỉnh Mã Pí Lèng.
Liên quan đến sai phạm tại công trình này, lãnh đạo huyện Mèo Vạc thừa nhận có khuyến khích xây một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng để du khách ngắm hẻm Tu Sản nhưng không biết chủ đầu tư xây nhà nghỉ 7 tầng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng A Chinh – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang khẳng định, công trình được xây dựng khi chưa có đủ thủ tục pháp lí. Địa phương sẽ không giải quyết theo hướng “phạt cho tồn tại” mà sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang, theo đó, Bộ thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama.
Bộ đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lí các sai phạm theo đúng qui định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với qui mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh…
Như vậy, theo đề nghị trên thì Panorama Mã Pì Lèng có thể sẽ không bị phá dỡ hoàn toàn.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng