Trong 3 năm thành lập Địa ốc Alibaba, số nhân sự của doanh nghiệp đã tăng từ 4 người lên đến 2.600 người, vốn điều lệ tăng từ 100 triệu đồng lên đến 5.600 tỉ đồng. Thậm chí mới đây doanh nghiệp này còn dự báo nộp ngân sách 12 tỉ USD năm 2023. Có thể thấy chỉ trong một thời gian ngắn, Địa ốc Alibaba đã “khuynh đảo” thị trường với những dự án và con số “không thể tin nối”.
Thách thức chính quyền và truyền thông
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã khởi tố, bắt tạm giam hai nhân viên của CTCP Địa ốc Alibaba để điều tra hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Trong hai người này có bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh đã chỉ đạo nhiều người đập phá máy móc, cản trở việc cưỡng chế tại khu đất ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ. Cả trăm cảnh sát đã được huy động để vãn hồi trật tự.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, từ tháng 4/2017 – 10/2018, Địa ốc Alibaba đã tham gia 7/8 dự án bất động sản (BĐS) tại thị xã Phú Mỹ, ký hợp đồng với hàng nghìn khách hàng, tuy nhiên phía công ty chỉ cung cấp danh sách khách hàng nhưng không cung cấp địa chỉ. Trong quá trình làm việc, bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cũng không cung cấp được các hồ sơ pháp lý của 7 dự án nói trên.
Trên website doanh nghiệp, mục “Góc cập nhật pháp lý – Góc pháp lý” có đăng tải các bài viết với tựa đề: “Nhiều khúc mắc trong việc cơ quan chức năng tạm giữ bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh để phối hợp làm việc”; “Thiếu khách quan trong Quyết định khởi tố”; “Địa ốc Alibaba quyết ‘đấu tranh’ tới cùng với những sai phạm của UBND thị xã Phú Mỹ”…
Đây không phải lần đầu cái tên Địa ốc Alibaba tràn ngập các mặt báo gắn với bê bối liên quan đến vấn đề đất đai. Trước đó vào năm 2017, cả chính quyền TP HCM và Đồng Nai cùng cảnh báo, công an vào cuộc điều tra và báo chí liên tiếp phản ánh về việc doanh nghiệp này rao bán nhiều “dự án ma” tại các thị trường đất nền tỉnh vùng ven.
Cụ thể vào hồi tháng 5, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã có văn bản cảnh báo việc CTCP Địa ốc Alibaba rao bán đất nền dự án Ali Mega Xuân Lộc tại xã Xuân Hưng khi địa phương chưa hề quy hoạch hay có kế hoạch sử dụng đất tại vị trí dự án mà doanh nghiệp rao bán.
Mới vài ngày trước, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định với báo chí về việc chưa hề cấp phép cho dự án Alibaba Newtimes City Thắng Hải tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân. Trong khi Địa ốc Alibaba đã công khai tổ chức mở bán, rao bán rầm rộ trên mạng và dẫn khách đi thăm quan. Được biết, khu đất dự án này thực tế là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm và chưa hề có thủ tục chuyển đổi mục đích sang đất ở.
Trên chính website của mình, công ty cũng nhắc đến việc gặp phải khủng hoảng truyền thông khi “hơn 400 bài báo đồng loạt cho rằng công ty lừa đảo, bán dự án ma… Nhiều khách hàng đòi thanh lí hợp đồng. Nhiều nhân viên nghỉ việc”. Doanh nghiệp tự gọi đây là “cuộc chiến với truyền thông”.
Thậm chí liên quan đến vụ việc cưỡng chế đất tại thị xã Phú Mỹ nói trên, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành của công ty đã có những phát ngôn xúc phạm đến lực lượng chức năng và lãnh đạo xã Tóc Tiên (nơi xảy ra vụ cưỡng chế).
3 năm thành lập, vốn điều lệ bỏ xa các “ông lớn” trên thị trường
Cũng theo lời giới thiệu trên website, dù trong “tâm bão” tai tiếng, Địa ốc Alibaba vẫn mở bán dự án mới và “hơn 80% sản phẩm đã bán hết ngay trong ngày đầu mở bán. Doanh thu tăng từ vài chục tỉ lên hàng trăm tỉ”.
Trên hành trình thực hiện mục tiêu, tập đoàn địa ốc Alibaba cho biết, hiện có quy mô 20 công ty con; đã và đang triển khai 47 dự án với tổng số sản phẩm gần 20.000 nền.
Theo giới thiệu của Địa ốc Alibaba, khi mới thành lập vào tháng 5/2016, vốn điều lệ của doanh nghiệp khoảng 100 triệu đồng, nơi làm việc ban đầu cũng chỉ là những quán cà phê vỉa hè.
Tuy nhiên, đối chiếu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bản công bố nội dung đăng ký thành lập mới của Địa ốc Alibaba cho thấy, ở thời điểm thành lập vào tháng 5/2016, số vốn điều lệ là 1 tỉ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Luyện góp 800 triệu đồng, (chiếm 80% tổng vốn); ông Nguyễn Thái Lĩnh và bà Võ Thị Thanh Mai – mỗi người góp 100 triệu đồng (mỗi người chiếm 10% còn lại).
Đến tháng 9/2017 (tức sau 1,5 năm), mức này đã tăng vọt lên tới 1.600 tỉ đồng – tức tăng vốn gấp 1.600 lần. Quá trình phát triển, số nhân sự của doanh nghiệp đã tăng từ 4 người lên đến 2.600 người.
Và cũng chỉ 2 năm sau đó, tập đoàn này làm nên điều khó tin hơn khi công bố vốn điều lệ tăng đến 5.600 tỉ đồng. Nếu đưa ra để so sánh con số này còn lớn hơn vốn điều lệ của nhiều “đại gia” địa ốc hiện tại trên thị trường BĐS như CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (vốn điều lệ đang là gần 3.300 tỉ đồng); CTCP Tập đoàn Đất Xanh (gần 3.500 tỉ đồng); CEO Group 2.100 tỉ đồng, CTCP Hưng Thịnh Incons (287,5 tỉ đồng)…
Đáng chú ý, trong “Thư xin lỗi” công khai gửi đến các cán bộ xã về hành vi xúc phạm của mình (liên quan đến vụ cưỡng chế đất có hai nhân viên bị tạm giam nói trên), ông Luyện nhắc đến kế hoạch 5 năm tới của Địa ốc Alibaba với số tiền nộp ngân sách ở mức khó tin hơn nữa.
“Tập đoàn Địa ốc Alibaba định hướng đến năm 2023 sẽ trở thành Tập đoàn địa ốc lớn nhất khu vực Đông Nam Á”. Để thực hiện điều này, tập đoàn xác định 3 sứ mạng: (1) Giúp nhân viên đều có nhà và xe; (2) Giúp khách hàng giàu lên có số má Đông Nam Á và (3) Tạo ra khu đô thị thông minh, mang đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt, tập đoàn còn định hướng “đến năm 2023 đóng góp 284.000 tỉ (khoảng 12 tỉ USD) vào ngân sách nhà nước thông qua thực hiện 28.400 ha đất”. Trong thư nêu rõ.
Thủ thuật kinh doanh gây tranh cãi
Chưa bàn đến vấn đề thực hư những con số ấn tượng mà tập đoàn Địa ốc Alibaba đưa ra về số lượng khách hàng, nhìn vào mức giá rao bán đất nền các dự án của doanh nghiệp cũng khiến nhiều người giật mình.
Việc bán hàng vẫn cứ đều đặn trong vòng 3 năm qua, khách hàng vẫn xuống tiền, công ty vẫn tuyển thêm nhân viên. Tuy nhiên, dự án mà doanh nghiệp này mở bán liên tục là điều khó tin. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đa phần các dự án này đều được doanh nghiệp “vẽ ra” để bán hàng.
Cụ thể, hồi cuối năm 2017, Địa ốc Alibaba rao bán dự án ảo Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2 – chỉ bằng 50% giá thị trường khi đó. Các dự án hiện tại doanh nghiệp rao bán ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận… cũng có giá chỉ từ 2 – 6 triệu đồng/m2 – chỉ bằng 30 – 60% so với giá thị trường của các dự án tương tự.
Giá quá thấp, lại cam kết về “sổ đỏ thổ cư” nên Địa ốc Alibaba luôn thu hút đông đảo khách hàng thăm quan, tìm hiểu mua dự án, bất chấp những cảnh báo từ phía chính quyền địa phương và truyền thông.
Ngay giữa “tâm bão” truyền thông khi xảy ra việc nhân viên bị bắt tạm giam do chống người cưỡng chế dự án “ma” tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng Địa ốc Alibaba vẫn mở bán dự án Ali Aqua Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Alibaba Thắng Hải Newtimes City (Bình Thuận – dự án mà lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận khẳng định chưa hề cấp phép). Theo phía doanh nghiệp, đã có gần 1.000 nền được đặt thành công trong đợt mở bán ngày 16/6 qua.
Không chỉ giá bán siêu thấp, doanh nghiệp còn đưa ra cam kết lợi nhuận “khủng”: đối với khách hàng đã mua dự án, nếu không bàn giao được sổ hoặc khách muốn bán lại thì công ty sẽ chi trả tiền gốc và lãi suất đến 12 – 15%/6 tháng hoặc 28 – 35%/năm – đây là mức lãi suất cao gấp 4 – 5 lần so với lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Tuy nhiên, các hợp đồng mà Địa ốc Alibaba ký với khách hàng không phải hợp đồng mua bán đất đai thông thường mà là hợp đồng “hợp tác đầu tư, hợp đồng góp vốn”, bản chất đây là các giao dịch dân sự hợp pháp nên các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm.
Chính quyền nhiều địa phương liên tiếp cảnh báo về việc những dự án Địa ốc Alibaba rao bán là dự án “ma”, doanh nghiệp không phải chủ đầu tư, chủ thực sự của những khu đất này là các cá nhân, Địa ốc Alibaba chỉ được chủ đất ủy quyền. Tuy nhiên, khu đất dự án cũng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Nhiều chuyên gia cho rằng trong câu chuyện này, Địa ốc Alibaba, vận hành dưới dạng thức “đánh tráo khái niệm”. Muốn thực hiện dự án phải làm rất nhiều thủ tục, phải phù hợp quy hoạch… Alibaba không đáp ứng yêu cầu này, chỉ đứng sau “vẽ” ra dự án. Trong trường hợp rủi ro, họ nói không phải của công ty mà của cá nhân. Đây là chiêu lách, bởi chủ sở hữu là cá nhân, không phải công ty.
Thực tế, các dự án BĐS bình thường phải mất rất lâu (từ vài năm, có khi đến cả chục năm) mới xin được đầy đủ thủ tục pháp lý (duyệt quy hoạch, duyệt chủ trương đầu tư, được cấp phép xây dựng…) để triển khai và hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng. Trong khi hầu hết các dự án mà Địa ốc Alibaba rao bán đều được phản ánh là chưa có đủ thủ tục pháp lý. Vậy tương lai các “dự án” này về sau sẽ ra sao?
Theo Kinh tế & Tiêu dùng