Tính đến nay, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba có 38 dự án “ma” bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nằm rải rác tại các tỉnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Đồng Nai.
29 dự án ở Đồng Nai
Thời gian vừa qua, liên tiếp các dự án “ma” của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại một số địa phương bị cưỡng chế do vi phạm liên quan đến việc sử dụng đất không đúng mục đích. Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ 23/4/2017 – 9/10/2018, công ty này đã thu về hàng nghìn tỉ đồng của khách hàng mua đất nền từ các dự án trên giấy.
Tại Đồng Nai, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Địa ốc Alibaba rao bán đất nền tại 29 dự án.
Theo đó, tại huyện Long Thành có 27 dự án, trong đó có 3 dự án tại xã Phước Bình là Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II và Alibaba Central Park III, một dự án ở xã An Phước là Alibaba An Phước.
Điển hình, dự án ma tập trung nhiều nhất tại xã Long Phước với 21 dự án gồm từ Long Phước 1 đến Long Phước 16, Long Phước Golden Point, Long Phước Golden Point, khu dân cư Quốc tế Lilama, Alibaba Long Thành Capital, Long Phước Residence.
Ngoài ra, tại các xã Phước Thái, Bàu Cạn và Tân Hiệp có các dự án lần lượt là Phước Thái Capital và dự án Khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside.
Còn tại huyện Nhơn Trạch và Xuân Lộc, công ty này có 2 dự án “ma” là Ali Aqua Nhơn Trạch (xã Long Thọ) và Ali Mega Xuân Lộc (xã Xuân Hưng).
Liên quan đến những dự án trên, theo phản ánh của báo chí mới đây, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Công ty Alibaba đã ngang nhiên tự vẽ qui hoạch, phân lô bán nền đất nông nghiệp 29 dự án thuộc địa bàn các huyện: Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án nào cho Công ty CP địa ốc Alibaba. Do đó, những dự án Alibaba quảng cáo trên website của công ty này và các trang mạng xã hội đều là dự án “ma”.
Chiều 5/9, trao đổi với báo chí Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, sau khi huyện có quyết định cưỡng chế đối với công trình vi phạm của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba trên địa bàn, doanh nghiệp này đã xin được tự khắc phục và hiện nay đang tự tháo dỡ.
Để phục vụ công tác điều tra, hồi tháng 7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn gửi Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến 29 dự án “ma” này để cơ quan điều tra củng cố hồ sơ, thu thập chứng cứ.
8 dự án ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Hồi tháng 6/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã khởi tố, bắt tạm giam hai nhân viên của CTCP Địa ốc Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Vĩnh để điều tra hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản liên quan đến vụ việc cưỡng chế tại khu đất ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.
Theo phản ánh của báo Thanh niên, Báo Thanh Niên đưa tin, theo Phòng Cảnh sát kinh tế, từ tháng 4/2017 – 10/2018, CTCP Địa ốc Alibaba đã tham gia 7/8 dự án tại thị xã Phú Mỹ, nhận góp vốn đầu tư vào 3.333 nền đất với số tiền thu về hơn 770 tỉ đồng. Hàng ngàn khách hàng đã kí hợp đồng góp vốn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình là việc, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh không cung cấp được các hồ sơ pháp lí của 7 dự án này. Phía công ty cũng chỉ cung cấp danh sách khách hàng nhưng không cung cấp địa chỉ.
Qua kiểm tra, đối chiếu, 7 dự án nói trên gồm:
(1) Khu đất 134.996 m2 trùng khớp với dự án Alibaba Tân Thành Center City 1. Công ty đang phân phối 346 nền, đã thu hơn 100 tỉ đồng.
(2) Khu đất 74.664 m2 trùng khớp dự án Alibaba Tân Thành Center City 2. Công ty phân phối 468 nền, đã thu gần 110 tỉ đồng.
(3) Khu đất diện tích 58.391 m2 trùng khớp dự án Alibaba Tân Thành Center City 3. Công ty phân phối 161 nền, đã thu gần 40 tỉ đồng.
(4) Khu đất 25.149 m2 trùng khớp dự án Alibaba Tân Thành Center City 4. Công ty phân phối 137 nền, đã thu gần 42 tỉ đồng.
(5) Có hai “dự án” trùng với vị trí dự án Alibaba Tân Thành Center City 5. Công ty phân phối 291 nền, đã thu hơn 97 tỉ đồng.
(6) Khu đất hơn 187.000 m2 trùng khớp với dự án Alibaba Tân Thành Center 6. Công ty phân phối 1.306 nền, đã thu hơn 200 tỉ đồng.
(7) Khu đất khoảng 88.000 m2 trùng khớp với dự án Alibaba Phú Mỹ Center City. Công ty phân phối 624 nền, đã thu hơn 177 tỉ đồng.
Ngoài ra, khu đất khoảng 4 ha trùng với vị trí dự án Alibaba Tân Thành Home City.
Báo cũng dẫn lời thượng tá Nguyễn Hồng Dương, Phó Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tất cả dự án này đều chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định duyệt qui hoạch 1/500; không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, nghiệm thu tách thửa, hạ tầng…
Bên cạnh đó, theo phản ánh của báo chí, tháng 7/2019, Tập đoàn địa ốc Alibaba lại rao bán trên mạng một dự án “ảo” khác mang tên Ali Venice City trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã có biện pháp cảnh báo người dân tránh bị công ty này lừa đảo.
Qua xác minh, UBND huyện Hàm Tân xác định thực chất đây là khu đất nông nghiệp nằm trên địa bàn thôn 4, xã Tân Phúc. Trước đây có người xin làm dự án du lịch, rồi chuyển sang làm nông nghiệp sạch. Nhưng chủ đầu tư đã dừng dự án và chuyển nhượng khu đất này cho người ở Đồng Nai.
Hiện trên đất chỉ còn vài căn nhà gỗ, lối đi, tiểu cảnh, nhà vòm trồng rau và cây trồng lâu năm còn sót lại. Trên địa bàn hoàn toàn không có một dự án bất động sản nào theo phong cách Ý của tập đoàn địa ốc Alibaba.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng