Số tiền khoảng 1.400 tỉ đồng chủ yếu dùng để chi bồi thường, hỗ trợ lãi suất theo ngân hàng và tiền “phạt” do Nhà nước bồi thường chậm cho người dân.

Rất nhiều người dân có nhà, đất bị giải tỏa trong dự án Khu công nghệ cao (KCNC) TP HCM tại Q.9 đang thắc mắc: Ai sẽ được hưởng từ nguồn chi thêm trên?

Vì sao phải chi thêm bồi thường?

Kết thúc kỳ họp HĐND TP HCM ngày 13-7, HĐND TP HCM đã ra nghị quyết chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư KCNC TP HCM tại Q.9. Kinh phí này lấy từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP HCM với tổng số vốn 1.471 tỉ đồng.

Theo UBND TP, việc bổ sung kinh phí phát sinh cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư KCNC tại Q.9 là thực hiện thông báo số 370 (ngày

17-8-2017) của Văn phòng Chính phủ. Thông báo trên thể hiện ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án KCNC.

Cụ thể, diện tích đất gần 41ha nằm trong dự án KCNC của TP HCM đã được thu hồi theo quy hoạch, theo các dự án phục vụ KCNC nên không xem xét giao lại cho các hộ dân bị thu hồi mà giải quyết bằng cách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật. Và UBND TP thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 458 điều chỉnh bổ sung quy hoạch KCNC (ngày 18-4-2007).

Trao đổi thêm, lãnh đạo UBND Q.9 cho biết 41ha đất được tính lại chính sách bồi thường trên nằm ở bảy khu vực như: khu tái định cư Man Thiện, khu di tích Bến Nọc, khu vực xa lộ Hà Nội… Dự kiến có khoảng 600 hộ gia đình, cá nhân và 3 tổ chức bị ảnh hưởng sẽ được xem xét để hưởng chính sách chi thêm trên.

Mong được đối thoại với lãnh đạo TP

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại của dự án sẽ tăng thêm gần 1.400 tỉ đồng. Những đối tượng được chi bổ sung trong đợt này là các hộ dân trong 41ha và 49 hộ dân có khiếu nại tố cáo trong dự án này. Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ hơn 420 tỉ đồng, chi phí hỗ trợ lãi suất ngân hàng gần 500 tỉ đồng và chi phí cho khoản tiền do chi bồi thường chậm hơn 484 tỉ đồng. Số còn lại là chi phí thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân – ở Q.Gò Vấp, một hộ dân có đất bị ảnh hưởng trong dự án KCNC – đề nghị nên công bố rõ ràng bản đồ quy hoạch KCNC và lãnh đạo UBND TP nên đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên. Từ việc công khai bản đồ mới xác định rõ khu vực nào nằm trong diện tích 41ha. Và qua đối thoại, lãnh đạo TP sẽ hiểu người dân muốn gì, nguyện vọng của dân ra sao thì xây dựng chính sách mới hợp tình hợp lý, hợp lòng dân.

Cùng tâm trạng với bà Xuân, nhiều người dân bị di dời trong dự án KCNC ghi nhận việc UBND TP trình HĐND thông qua chi phí bồi thường bổ sung cho dự án thể hiện thiện chí của lãnh đạo TP muốn sớm giải quyết vụ việc và ổn định cuộc sống của người dân. “Người dân không có ý gây khó dễ cho các cơ quan chức năng của TP mà chỉ muốn mình được đối xử công bằng, đúng pháp luật” – một người dân có đất giải tỏa tại P.Hiệp Phú (Q.9) bày tỏ.

Nhằm giải quyết nhanh quyền lợi cho người dân, một lãnh đạo UBND Q.9 cho biết từ đầu năm 2018, quận này đã ban hành kế hoạch phối hợp cùng các sở, ngành để thực hiện kết luận nêu trên của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Hiện đã có nghị quyết của HĐND TP thông qua về vốn tăng thêm cho dự án, quận sẽ chờ UBND TP ban hành quyết định, xác định và công bố ranh khu 41ha. Từ đó sẽ xác định danh sách các hộ dân được áp dụng chính sách bồi thường mới.

Người dân sẽ được nhận thêm số tiền khá lớn

Toàn bộ dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư KCNC được thực hiện theo các quy định trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 1-7-2004).

Cụ thể là theo nghị định 22 năm 1998 của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 458 điều chỉnh quy hoạch dự án KCNC trên cơ sở đồng ý đề xuất của TP HCM, giao 41ha đất trên cho UBND TP xây dựng bổ sung một số khu chức năng cần thiết khác trong KCNC.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tính bồi thường cho các hộ dân theo chính sách năm 2007, tức bồi thường theo quy định tại nghị định 197 năm 2004 về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Và theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giá đất bồi thường theo hai văn bản trên chênh lệch nhau nhiều lần.

Theo nghị định 197 (năm 2004), giá đất bồi thường cho các hộ dân trong khu 41ha là giá đất năm 2007, cao hơn nhiều lần so với giá đất của TP HCM năm 1995 mà Nhà nước áp dụng để bồi thường cho các hộ dân trong dự án KCNC.

Vì vậy, hơn 600 hộ dân trong khu vực 41ha được đề cập sẽ được nhận thêm khoản tiền chênh lệch từ giá bồi thường đất, tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng và tiền phạt bằng mức tiền chậm nộp theo Luật quản lý thuế…

Báo cáo kết quả chi trả vào cuối năm 2019

Nghị quyết của HĐND TP nêu rõ: UBND TP có nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung của dự án theo đúng quy định pháp luật, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho HĐND TP vào kỳ họp cuối năm 2019.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nghị quyết về nội dung này.

Theo Tuổi Trẻ